Đánh giá chi tiết game Call of Duty 4 Remastered – Huyền thoại lột xác

Tuy không thể điều khiển, những đồng đội máy luôn là những “thiên thần hộ mệnh” cho bạn khi phản ứng rất nhạy với sự xuất hiện của đối phương, bắn che và cung cấp những lời khuyên cần thiết khi chiến đấu.

Đối với những game thủ hoài cổ, Call of Duty 4: Modern Warfare Remastered là một món ăn phải thưởng thức lại một lần nữa

Sau 9 năm ra mắt, trong một động thái có phần bất ngờ, Activision và Infinity Ward đã quyết định hồi sinh Call of Duty 4 Modern Warfare, một trong những phiên bản hay nhất của dòng game bắn súng thường niên này trong mắt cộng đồng game thủ hâm mộ. Quả thật, chính bản thân cuộc chiến chống khủng bố sau thảm họa ngày 11/09/2001 đã tạo ra cảm hứng cho hàng loạt những bộ phim hay game nơi khán giả đặt góc nhìn của họ vào bước chân của những người lính trong cuộc chiến tranh đầu thế kỷ XXI với mục tiêu tìm và tiêu diệt những phần tử cực đoan.
call-of-duty-1478596413066

Và ở một chừng mực nhất định, không phải tựa game nào khác mà chính Modern Warfare đã mở đầu cho trào lưu game lấy chủ đề cuộc chiến chống khủng bố. Nếu như phim ảnh có rất nhiều tác phẩm, từ Body of Lies, The Kingdom cho đến cả các tác phẩm giành giải Oscar như The Hurt Locker hay Zero Dark Thirty, thì Modern Warfare đã tạo cảm hứng cho không ít tựa game mà trong đó phải kể tới Medal of Honor, tựa game từng là đối trọng với Call of Duty, cũng thay đổi theo hướng hiện đại để chạy đua với sức hút quá lớn của series Modern Warfare nói riêng và Call of Duty nói chung.

Cốt truyện gần như hoàn hảo, kết nối cái cũ và cái mới, cùng những nút thắt đầy bi tráng đã khiến cho rất nhiều game thủ trở thành fan của Call of Duty. Và đến khi nó được lột xác bằng nền đồ họa đương thời của engine được sử dụng để phát triển Infinite Warfare, những game thủ từng sống cùng những nhân vật như Soap hay Captain Price lại một lần nữa được chìm vào một tuyệt tác từng gây sốt cho cả thế giới.
maxresdefault-1478596413064

Điều thay đổi dễ nhận thấy đầu tiên ở Modern Warfare là cốt truyện của trò chơi gồm những sự kiện hoàn toàn hư cấu và chỉ diễn ra trong một chiến dịch duy nhất của phe chính, liên quân Anh – Mỹ. Một âm mưu đảo chính và tranh giành vũ khí hạt nhân được một số thủ lĩnh cực đoan nhen nhóm ở Đông Âu và Trung Đông khiến liên quân Anh – Mỹ phải vào cuộc để can thiệp.

Liên quân này bao gồm hai binh chủng chính: lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh và lính thủy đánh bộ Marine của Mỹ. Khác với SAS chuyên thực hiện những nhiệm vụ mang tính bí mật và nhanh gọn, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia những trận đánh qui mô lớn. Trong trò chơi, bạn sẽ được lần lượt vào vai những người lính SAS và Marine thực hiện các nhiệm vụ ở Đông Âu và Trung Đông.
call-of-duty-modern-warfare-remastered-screenshot-mp-1-1478596448914

Cách chơi của Modern Warfare không đi quá xa những “truyền thống” mà dòng game đã tạo dựng: lối chơi tuyến tính với những pha giằng co chiến đấu từ đầu đến cuối. Cơ cấu nhiệm vụ sẽ thay đổi tùy theo bạn vào vai SAS hay Marine. Với SAS, bạn sẽ có cơ hội sử dụng các khẩu đặc chủng như MP5 giảm thanh, súng lục, đồ nghề nhìn đêm cùng các đồ chơi hi-tech khác.

Ngoài hệ thống vũ khí, những điểm khác biệt xem ra không nhiều trong cách thức hai lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Tiếp cận mục tiêu, đánh chiếm cứ điểm, phong tỏa khu vực, cứu viện đồng đội… Phần lớn các nhiệm vụ của bạn đều trên bộ với sự hỗ trợ của vài ba đồng đội. Không chỉ đi theo người chơi, các đồng đội được thiết kế cực kì biểu cảm từ các động tác di chuyển, nét mặt và lời nói khiến bạn luôn nghĩ họ là những đồng đội thực sự ngoài đời. Tuy không thể điều khiển, những đồng đội máy luôn là những “thiên thần hộ mệnh” cho bạn khi phản ứng rất nhạy với sự xuất hiện của đối phương, bắn che và cung cấp những lời khuyên cần thiết khi chiến đấu.
photo-0-1478596558739

Hệ thống AI của Modern Warfare có khá nhiều điểm cải tiến, thông minh hơn và hành xử có tổ chức hơn. Nếu như ở bản trước, lính đối phương chỉ thụ động đứng một chỗ hoặc lạm dụng số đông thì nay, những vũ khí và phương tiện hiện đại đã cho phép chúng có những chiến thuật phức tạp hơn chứ không đơn giản làm “bia đỡ đạn”. Trong nhiều tình huống, lính đối phương chỉ núp trong lá chắn và bắn “blind-fire” mà không nhoài người ra.

Quăng lựu đạn là một trong những chiến thuật chính của chúng khi phát hiện bạn nấp quá lâu trong lá chắn. Khi chỉnh lên độ khó cao hơn, chiến thuật của lính sẽ nâng cấp sang phương pháp đánh bên sườn (flank) kết hợp với số đông dồn ép. Trên thực tế, muốn sống sót trong các trận chiến ở Modern Warfare, đôi lúc bạn sẽ phải hoàn toàn chờ đồng đội dọn đường sẵn.
photo-0-1478596582193

Và như vậy, cách chơi của Modern Warfare kết hợp cùng hình ảnh đẹp tuyệt đỉnh của phiên bản Remastered đã tạo ra một tựa game mà chính bản thân tôi đôi lúc cũng chấp nhận bỏ qua Infinite Warfare hay những tựa game mới để được một lần nữa chìm vào cuộc phiêu lưu của những người lính thuộc biệt đội SAS. Cảnh vật ở cánh rừng vùng núi Caucasus, Nga, hay vụ nổ bom nguyên tử, thứ khiến cả làng game thế giới phải chấn động vì sự ấn tượng của nó đã được khoác lên mình một bộ áo mới toanh, đẹp tuyệt vời nhưng điều khiến chúng ta thực sự ngạc nhiên chính là nó vẫn tương đối nhẹ so với những game mới hiện tại.

Trải nghiệm âm thanh, hình ảnh vẫn như ngày nào, chỉ có điều, thời năm 2007, tiêu chuẩn hình ảnh đẹp khác xa với tiêu chuẩn của gần 10 năm sau. Bạn vẫn sẽ nhận ra những điều khác biệt ở hiệu ứng khử răng cưa, ánh sáng và đổ bóng, nhưng chúng không quá khác biệt và xa lạ. Cùng với đó là âm nhạc hùng tráng vang lên ở những màn đối đầu khốc liệt của game.
photo-0-1478596283827

Đối với những game thủ hoài cổ, Call of Duty 4: Modern Warfare Remastered là một món ăn phải thưởng thức lại một lần nữa, để nhớ lại vì sao chúng ta lại đến với series Call of Duty, và vì sao chúng ta lại yêu nó nhiều năm về trước.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *